Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Vừa đọc vừa cười: Tam quốc diễn nghĩa đời mới

Hôm nay đọc được bài này trên Blog Quê choa của Bọ Lập, mình vừa đọc vừa ôm bụng cười. Nội dung thì các báo lề phải mấy hôm nay cũng đã đăng nhiều, nhưng khen thay ông tác giả khéo chế biến ra thành một bài đọc khá thú vị theo lối viết của La Quán Trung. Xin cóp về đây để anh em đọc giải trí sau khi toát mồ hôi cùng mấy chú cún!


Công-Xăng-Tài diễn nghĩa

La Trung Nghệ Quán
 
Hồi Một:
Tung hỏa mù Công – Xăng kêu lỗ
Giở hóa đơn Thượng thư Huệ nói lời
Lại nói, nước Việt, năm thứ sáu mươi sáu, mùa thu, bỗng dưng lạm phát tăng phi mã, vật giá leo thang, lòng người oán thán. Trong lúc vàng bạc, mỹ kim đua nhau tăng giá, thì chứng khoán liên tục xuống đỏ sàn. Thấy vậy, mấy nhà độc quyền là điện, xăng dầu cũng dâng sớ lên tể tướng cho tăng giá theo. Tình hình nguy cấp quá, tể tướng vội xuống chỉ cho Bộ Công và Bộ Tài cùng nhau hiến kế. Lĩnh ấn tiên phong, tân thượng thư Bộ Tài, họ Vương tên là Đình Huệ, tức tốc mở hội đàm cho mời Bộ Công và các đại gia đến tham vấn. Đoàn của Bộ Công do Phó Thượng thư dẫn đầu, đó là một vị mặt mũi phương phi, trán hói, mặt đỏ như ba quả táo chồng lên nhau. Hỏi ra mới biết, họ Nguyễn tên là Cẩm Tú, vốn là quý tử của một cựu Phó tể tướng đã hồi hưu*. Oái ăm thay họ Nguyễn cũng là đồng hương An Tĩnh với Thượng thư họ Vương. Theo sau phó thượng thư Cẩm Tú là một đoàn lốc nhốc dăm bảy tên tùy tùng. Tiền hô hậu ủng theo họ là các đại gia độc quyền trong ngành xăng dầu. Ai nấy oai phong lẫm lẫm, khí thế như chực nuốt cả sao Đẩu, sao Ngưu.
An tọa. Phân ngôi chủ khách xong, Thượng thư Bộ Tài chưa dứt lời phi lộ, phó thượng thư Bộ Công, Cẩm Tú đã khai chiến trước. Không thèm rào trước, đón sau, ngài đã hướng thần công về phía Bộ Công nã pháo. Ngài tham chiếu Chỉ dụ 84 để kết tội Bộ Tài phạm luật, khiến cho doanh nghiệp điêu đứng, lỗ vốn vì kiểu điều hành “bịt mắt bắt dê”. Ngài cảnh báo nguy cơ vỡ hệ thống xăng dầu toàn quốc, ngài tiên tri viễn cảnh tối tăm, khi hàng hàng doanh nghiệp cùng rút vốn, bỏ thị trường. Thật là “miệng nhà quan có gang có thép”, không hổ danh dòng dõi trâm anh thế phiệt. Trước khi dứt lời, ngài không quên gửi tối hậu thư cho Vương Thượng thư: “Phải điều hành bằng đầu, chứ đừng điều hành bằng tay chân!”. Họ Nguyễn nói vậy thật chẳng khác gì coi Vương Thượng thư là phường võ biền “đầu óc ngu sy, tứ chi phát triển”! Khi nghe Cẩm Tú nói những lời khiếm nhã trên đây, trong lúc thuộc hạ rất lấy làm tức giận, thì khuôn mặt Vương Thượng thư không hề biến sắc. Ngài vẫn ra vẻ “bạch diện thư sinh” như ngày còn thụ giáo ở Quốc tử giám. Cẩm Tú vừa dứt lời, một thuộc hạ thân tín đã cướp diễn đàn, lên tiếng. Ra vẻ khiêm nhường, y nói: “Mỗ không giỏi, nhưng cũng đã từng lều chõng sang Âu châu, ứng thí giải quốc tế toán chương, thế mà không tài nào hiểu nổi phép tính của Bộ Tài. Lúc doanh nghiệp đang lỗ thì cho giảm giá. Chẳng hay Bộ Tài có làm sao không?” A, thằng oắt con, mày nói thế chẳng phải xem ta là thiểu năng trí tuệ ru? Trong bụng nghĩ vậy, nhưng Vương Thượng thư vẫn điềm nhiên như không, ngài chỉ nhỏ nhẹ: Giỏi toán cũng phải biết thực tế. Mọi người ngơ ngác không hiểu anh chàng xấc xược này ở đâu ra, mãi sau mới biết đó là quan phụ tá Vụ Nội địa thị trường, Bộ Công. Y họ Nguyễn, tên là Lộc An. Nghi ngờ những điều y vừa “nổ”, ngay sau buổi hội đàm, một vị Phó Bảng họ Võ tên là Trí Long đã chặn đường Lộc An hỏi: “Chẳng hay nhà ngươi dự thi quốc tế toán chương năm nào?”. Lộc An trả lời: “ Mỗ ứng thí năm Tuất, 1982”. “Ta là người biết rõ các đội tuyển quốc gia ứng thí quốc tế toán chương. Chắc chắn kỳ thi năm tuất không có tên ngươi”, Phó bảng Trí Long nói như đinh đóng cột. Bị vạch chân tướng, vậy mà Lộc An vẫn ngoan cố: “Xin mời ngài tra lại số sách”. Cũng không phải đợi lâu, ngày hôm sau Khảo thí Bộ Dục đã loan tin khắp kinh thành: Nguyễn Lộc An chưa từng được ứng thí quốc tế toán chương! Đúng là “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Thật là đáng phỉ nhổ. Một người như vậy thì làm sao bá tánh có thể tin. Không biết sau vụ này Lộc An có còn “an”, còn “lộc’? Hạ hồi phân giải.
Lại nói chuyện tọa đàm tư vấn, sau khi Lộc An huênh hoang, đến lượt các đại gia xăng dầu thi nhau kêu lỗ. Nguyên nhân thua lỗ đều do Bộ Tài điều hành không tốt. Tiếng kêu của họ nghe ai oán đến tận trời xanh. Phó thượng thư Cẩm Tú nhìn Lộc An, các đại gia nhìn Cẩm Tú. Thật là “tam diện nhất ngôn”, không ai bảo ai mà đều chĩa mũi dùi vào Bộ Tài. Tình thế của Vương thượng thư lúc này khác nào trứng để đầu đẳng, chỉ mành treo chuông!
Lúc này Vương Thượng thư mới từ từ lên tiếng. Đầu tiên ngài yêu cầu các đại gia khai rõ từng mặt hàng lỗ lãi bao nhiêu? Các đại gia lúng túng: chúng tôi chỉ tính chung, không phân khai từng thứ. Cử tọa bắt đầu ngạc nhiên: quản trị doanh nghiệp mà thế ru, phỏng có chấp nhận được không? Vương Thượng thư hỏi tiếp: “Tại sao khi các ngươi loan tin cáo bạch để bán cổ phiếu thì nói lãi mỗi năm hơn chín trăm tỷ, mà nay dâng sớ xin tăng giá lại kêu lỗ những hai ngàn tỷ là lẽ làm sao? Các ngươi hoặc là lừa dân để bán cho được cổ phiếu, hoặc là lừa triều đình để lại tăng giá xăng!” Phía Bộ Công và các đại gia nhìn nhau lúng túng, người đưa lý do này, kẻ đưa ra nguyên cớ nọ, làm cử tọa cười đau cả bụng. Đợi cho đối phương cạn lời mà vẫn đuối lý, Vương Thượng thư mới tung nốt đòn hiểm cuối cùng, ngài dẫn số liệu của quan thu thuế cửa khẩu, nước Việt gọi là Hải quan, để chứng minh rằng: cứ mỗi đấu xăng dầu nhập về các đại gia không lỗ mà còn lời trên bảy trăm quan, đó là chưa kể khoản ba trăm quan được triều đình cho gọi là lãi định mức. “Như vậy, các ngươi lãi trên một ngàn quan một đấu xăng dầu, cớ sao dám nói lỗ!”. Bọn Cẩm Tú, Lộc An, cùng các đại gia lại hùa nhau lên tiếng, chẳng còn tôn ti trật tự là gì. Lúc này thì hỗn loạn như ngoài chợ. Đến nỗi Vương Thượng thư cũng phải nghiêm sắc mặt nhắc nhở: “Các ngươi nên nhớ chủ nhà hôm nay là Bộ Tài”, bọn họ mới chịu vãn hồi trật tự. Chung cuộc bọn Cẩm Tú đòi trả việc định giá cho các đại gia, như Chỉ dụ 84 quy định, Bộ Tài không được can thiệp! Lúc này Vương Thượng thư được một số nhân sỹ giúp sức đã vạch rõ chân tướng của họ. Ngài dõng dạc: “Các ngươi có 11 đại gia, nhưng trong đó chỉ ba tên đã chiếm trên chín chục phần trăm thị phần, lại có một tên chiếm tới sáu chục phần trăm. Trao quyền tự quyết cho các ngươi để các ngươi tự tung tự tác, không coi triều đình, không coi dân ra gì nữa, thì giá xăng dầu sẽ lên đến đâu? Dân đen có chịu thấu không?”. Lúc này bọn Cẩm Tú và các đại gia lại giở bổn cũ ra dọa, đó là đòi rút khỏi thị trường. Tức thì Vương Thượng thư thách thức: “Các ngươi, ai muốn rút cứ rút, để người khác kinh doanh. Đừng dọa triều đình!”. Ngài tuyên bố đanh thép: “Ta điều hành giá xăng dầu là vì lợi ích của tám chục triệu con dân nước Việt, quyết không vì lợi ích của mấy đại gia độc quyền!”. Trừ bọn Cẩm Tú, Lộc An và mấy đại gia, cử tọa ai nấy đều lấy làm cảm kích trước khẩu khí của Vương Thượng thư.
Chỉ mấy giờ sau tin tức từ cuộc tọa đàm đã loan ra khắp kinh thành. Nam phụ lão ấu ai nấy đều rất tin tưởng ở tài đức của Vương Thượng thư. Báo chí từ “hữu ngạn” cho đến “tả ngạn” đồng loạt đưa tin, bình phẩm về cuộc khẩu chiến. Ai cũng khen Vương Thượng thư là người can đảm, dám công khai nghênh chiến với một liên minh ma quỷ, mà gần đây người Việt gọi là “Nhóm lợi ích”. Cũng có đôi vị trải chính trường lo ngại cho Vương Thượng thư, không biết ngài có trụ vững được trong quan trường lâu không, hay lại bất đắc chí như họ Chu (Văn An), họ Nguyễn (Nguyễn Trãi) xưa và họ Trần (XB) nay? Có vị văn sỹ còn ví việc làm của Vương chẳng khác gì “bật lửa xem xăng”, nguy cơ bị tẩm xăng không phải là bất khả!
Hình như không quan ngại những lời đàm tiếu, ngay hôm sau Vương Thượng thư đã xuống lệnh lập các đoàn đi thanh tra bốn đại gia xăng dầu. “Ba quân chỉ ngọn cờ đào. Đạo ra Vô tích, đạo vào Lâm tri”. Nghe nói phía Bộ Công và các đại gia cũng lập tức dàn trận, nghênh chiến.
Chưa biết hai bên tham chiến trận này ra sao, đợi hồi sau sẽ rõ.

*Thứ trường Nguyễn Cẩm Tú là con trai của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Một bài đáng đọc

Dạo này lướt web, mình thích đọc Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Quang Lập, Mai Thanh Hải, Huỳnh Ngọc Chênh và cả Phạm Viết Đào nữa. Họ là những Nhà văn, Nhà báo, trí thức có tên tuổi. Những bài viết ở Blog của họ bạn không bao giờ thấy được trên báo giấy, trên đài phát thanh hay truyền hình nhưng bạn có thể tin tưởng ở độ "thật" của nó.
Xin giới thiệu với các bạn một bài viết mới của nhà văn Nguyễn Quang Lập về tân bộ trưởng bộ tài chính Vương Đình Huệ:

Dạo này có nhiều người khen Vương Đình Huệ quá, mình thấy lo lo. Sống kề với những kẻ hám lợi, kị tài, hay trả thù vặt thì việc ông Huệ được khen ngợi nhiều giống như một cái điềm xấu đối với người tử tế.
Sáng nay đọc báo Dân Việt, thật cảm động khi biết Vương Đình Huệ có một tuổi thơ dữ dội. Ông Huệ sinh cùng thời với mình, bằng tuổi Nguyễn Quang Thiều, thua mình một tuổi. Thời tụi mình  không nghèo mới là sự lạ. Nhà mình cũng tám đứa con như nhà ông Huệ. Tuổi thơ của mình cũng  ‘ thường xuyên không có gạo”, mẹ mình cũng “phải đi nhặt hạt bo bo về đập giập nấu cháo cho các con ăn.” Chắc ông Huệ cũng giống mình đã từng ăn cám, ăn xương rồng, ăn củ chuối, thân cây đu đủ.  Đọc đến đoạn mẹ ông Huệ kể: “Tôi sinh mấy đứa con đứa nào cũng dễ, chỉ có sinh nó là khó nhất, chuyển dạ từ chập tối đến sáng bảnh mắt mới đẻ” , tự nhiên mỉm cười, sao mà giống mình thế không biết.
Nhưng mình  sướng hơn, còn có cha sống kề, ông Huệ mất cha. Mình không bị rơi vào hoàn cảnh “chị Dậu” như ông Huệ, đói quá mẹ phải bán ông cho người khác: “Có những đận chồng và các con ốm đau phải đi viện hàng tháng trời, không còn cách nào khác, bà đã đứt ruột bán Vương Đình Huệ cho một gia đình giàu có để cứu gia đình.Đói nghèo như nhà ông Huệ gọi là bần cùng, tận cùng đau khổ.
Nếu bảo vì ông Huệ đã trải qua tuổi thơ tận cùng đau khổ nên ông đã cảm thông với nỗi đau khổ của dân e rằng không phải. Bảo đảm 90% quan lại thời này đều có tuổi thơ đói nghèo nhưng mấy ai đã dám vì dân đâu? Mẹ ông Huệ thường xuyên dặn ông Huệ mỗi khi ông ghé về nhà: ‘”Con cái thành đạt, ai cũng tự hào. Nhưng đã làm “đầy tớ” của dân thì phải làm cho hết lòng. Yêu lấy dân thì dân sẽ yêu lại.’” Bảo đảm 90% mẹ các ông quan đều dặn con như thế nhưng mấy ai dám vâng lời mẹ như ông Huệ?
Thời này yêu dân không dễ,  muốn yêu dân phải có gan. Thời vinh thân phì gia, yêu dân vì dân rất dễ bị coi là hâm là gàn là điên, đôi khi bị liệt vào lực lượng thù địch nữa, gương tày liếp ông Kim Ngọc mọi người còn nhớ cả. Tất nhiên yêu dân sẽ được dân yêu rồi, không phải yêu một ngày một đời mà yêu đời đời kiếp kiếp. Những người được dân yêu sẽ sống mãi với thời gian, như trường hợp ba ông quan họ Võ, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Võ Chí Công. Khổ nỗi, muốn sống mãi với thời gian phải có gan dám bỏ lộc nhỏ lộc to, dám đối mặt với trăm mưu nghìn chước lũ bán nước hại dân, nguy hiểm vô cùng.
Cho nên khi nghe Nguyễn Thế Thịnh hân hoan nói có một niềm hy vọng mang tên Vương Đình Huệ, “Với những lời phát biểu trên, anh đã có 80 triệu dân bên cạnh”, tự nhiên mình thấy cay cay sống mũi. Kiếm được một người vì dân thật khó lắm thay, bảo vệ người vì dân càng khó khăn gấp vạn. Liệu 80 triệu người dân có bảo vệ được Vương Đình Huệ hay không? Hu hu

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Bài ở Blog của nhà báo Trần Đăng Tuấn

Mình hay lang thang trên mạng tìm đọc các bài viết trên các Blog của những nhà văn, nhà báo nổi tiếng. Cũng từ khi đọc được những bài viết này mà mình ... chán Ti vi nhà nước. Giờ đây kênh truyền hình VTV4 chỉ còn "Phim truyện" và các trò chơi như "Lên đỉnh Olimpia" hay "Theo dòng lịch sử" hay "Đấu trường 100" là còn chút hấp dẫn. "Rung chuông vàng" nhiều khi vừa xem vừa .. bực, bực vì nỗi mang tiếng là sinh viên ĐH, được ngồi vào đấy cũng đã coi như là được tuyển chọn vậy mà nhiều câu hỏi "đi" đến vài chục bạn, khiến mình không khỏi nhủ thầm "thế mà cũng gọi là sinh viên" hehehe.
Hôm nay lang thang đọc được bài "khai trương Blog" của nhà báo Trần Đăng Tuấn (từng là phó tổng giám đốc VTV) mình cóp về đây để các bạn cùng đọc chơi.
Bài của Blog http://trandangtuan.wordpress.com/2011/09/24/hom-nay-len-su%E1%BB%91i-giang/

Sáng nay , lần đầu tiên lên Suối Giàng, định ngắm mấy cây chè cổ thụ. Vào tuổi này, có lúc chợt lo là nhiều cái lạ ở đất nước , mình đã nghe, biết từ lúc còn là trẻ con, mà giờ chưa nhìn thấy tận mắt.
Vậy có thời gian thì phải đi để biết. Nhưng quả thật thời gian là cái gần một năm qua mình có ít nhất. Cứ tiếp tục thế này thì cũng gay đây. Gọi cho Tiến trọc, rủ đi cùng. Tiến trọc chối đay đảy, rằng vừa lang thang một tháng ( thằng cha này số sướng) ở Tây Nam bộ, nay phải cày kịch bản bù. Thì thôi vậy !.
Xe lên đến trung tâm xã Suối Giàng, thế nào lại đỗ ngay trước cửa trường học. Mấy trăm đứa trẻ con đang tập thể dục. Ngay cạnh đó là mấy dãy nhà nội trú của chúng nó. Không hiểu sao, cứ nhìn thấy trẻ con miền núi là mình mê . Cậu chủ quán trước cửa trường, sau mới biết rằng có vợ là giáo viên , cho biết : Trường tiểu học có 80 đứa nội trú. Phải có từ 100 đứa nội trú trở lên mới có chế độ hỗ trợ của nhà nước. Khu nội trú này dân nuôi hoàn toàn. Cha mẹ góp gạo mỗi tuần hai kg, và 5 ngàn tiền thức ăn. Bọn mình không tin, cứ lục vấn mãi : Sao lại 5 ngàn thì chúng nó ăn uống kiểu gì ?. Cậu ta cứ khăng khăng đúng thế, đúng thế. Vừa lúc có một bác H Mông xách xô nước đi ngang, cậu chủ quán bảo : Đấy, ông này nấu cơm cho chúng nó đó. Thế là bọn mình đi theo luôn. Trèo tắt qua mấy dãy nhà trên đồi, đi thẳng vào cổng Ủy ban Xã Suối Giàng, rồi vòng ra sau nhà Ủy ban, thì có cái lều tường che gỗ ván, giữa có cái bếp đang đỏ lửa, ngoài cửa có cái chậu tắm lớn đầy những cái bát to bẩn chưa rửa.Một loại bát như nhau thôi. Trong bếp ngoài nồi cơm đang nấu, một nồi nữa chắc để nấu canh, còn thì chẳng có đồ đạc gì cả.

Đây là một cái nồi!
Hỏi : 80 đứa chỉ ăn cái nồi cơm này đủ à ?. Bác H Mông nói : Nồi to lắm đấy, 13, 14 cân gạo mới đầy đấy. Lại hỏi : Thế ăn cơm với cái gì ? – Với canh rau…. Bây giờ mới nhìn ra chỗ tối tối có mấy bó rau cải bé tẹo, mà lại đã úa vàng một nửa. Không hiểu canh nấu với gì, vì mắm muối giấu ở đâu, chứ không có trong bếp. Hỏi : Sao ít rau thế ?- Ừ, không đủ đâu, phải mua thêm nữa đấy- Thế có thịt cá ăn bao giờ không ?- Không có đâu, bao giờ bố mẹ đóng thêm tiền thì mua cho ăn một bữa có thịt.
Một nồi cơm ( hy vọng là đủ) và một nồi canh rau cải ( gồm xô nước vừa được xách lên, mấy bó rau, chắc ít muối, mắm, dầu mỡ cho vào nữa- nhưng quả thật bọn mình không thấy chúng được cất chỗ nào, chắc không có trong bếp vì sợ chó mèo hay ăn trộm chăng ?). Đó là bữa ăn trưa cho 80 mầm non của đất nước vào ngày 22 tháng 9 năm 2011. Tức là khi đất nước đã bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21. Là sau một năm tưng bừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, là năm đầu của nhiệm kỳ Đại Hội 11.vv..và ..vv..
Bọn mình nói : Trưa nay bác mua thịt cho chúng nó ăn được không? . Bạn mình đưa ít tiền. Mình đưa thêm nữa, vẫn băn khoăn hỏi: Đủ mua thịt chưa ?. Bác H Mong : Đủ chứ, đủ chứ. Chốc nữa lên xem chúng nó ăn thịt mà.. Nói xong bác đi xuống chợ ngay, hình như chợ gần thôi,ở mé núi bên kia
Lúc đi xuống, cậu lái xe , vốn ít nói, văng ra : Mẹ, ăn uống thế này trẻ con sống thế nào được.
Sống thì chắc được thôi, nhưng mình nghĩ học khó vào lắm. Hồi đi học, lúc nào mình cũng muốn ăn, dù bố mẹ nuôi nấng đầy đủ hơn bọn trẻ con hàng xóm nhiều. Khi đi bắt đầu đi học đại học ở Thanh xuân, cả ngày thấy đói. Ăn tập thể, xong bữa, rửa bát cầm về, dọc đường từ nhà ăn đến phòng ở đã thấy thèm ăn nữa. Cơm không thịt ăn đủ suất rồi mà bụng cứ như chưa ăn. Ngồi trên lớp ,lúc nào cũng nghĩ đến ăn. Tối bọn chúng nó rủ sang phòng con gái tán, mình không đi, vì nhìn mặt con gái cũng thích nhưng đang nói chuyện tự nhiên thấy đói thì không thích gì nổi nữa . Mình hình dung sự thèm ăn là một thằng cha khả ố, nó cứ ngồi chồm chỗm trong người ta, lúc nào nó cũng nhắc là nó đang ở đây, ở đây..Nó cứ ngồi đấy thì cảm xúc không từ trong ra ngoài được, chữ nghĩa với toán, tính không từ trên bảng chui vào đầu được.
Từ bếp vào chỗ học sinh nội trú ở. Có giường tầng, mỗi buồng có bảng ghi ở cửa “ Nhóm bản Lóp”, “ Nhóm bản…”.. Chăn chiếu bẩn lắm. Nhưng thôi, cái này mình nhìn thấy nhiều rồi. Được cái nhà cũng kín, mùa đông trên núi nhà kín là quan trọng nhất.
Sang bên khu nội trú ( cũng dân nuôi) của trường trung học cơ sở thì nhà cửa có vẻ tuềnh toàng hơn nhiều. Mùa đông thế này chết rét mất. Các cô giáo ở ngay cùng dãy với học sinh. Một cô khi từ dưới đi lên nhìn cứ tưởng học sinh,vì thấp nhỏ, mặc cái áo khoác trắng như đồng phục, đến nơi nghe cô ấy nói mới hiểu là cô giáo. Bếp chung luôn với khu gường tầng , cả hai bếp đều đỏ lửa hun hai cái nồi to đen, mở ra thấy một nồi cơm, một nồi canh bí. Mình tò mò cúi hẳn xuống nhìn , thấy mấy miếng xanh xanh cứ nhảy lộn tùng phèo trong đó ( lửa rất to, ở đây không thiếu củi). Hình như cũng có ít váng mỡ. Hỏi : Thế có món gì nữa không hả cô ? . Cô giáo chỉ gói nilon nhỏ trên bàn, mình cầm lên xem , thì ra mấy miếng cá khô. Có 45 đứa cấp hai nội trú ăn ở đây , cũng tiêu chuẩn 5 ngàn /tuần. Nhưng bọn này có vẻ được ăn khá hơn lũ cấp 1. Các cô giáo bớt tiền lương của mình, cộng vào tiền bố mẹ góp, để mua thức ăn. Theo nhẩm tính thì mỗi tháng 45 đứa có 900 ngàn tiền thức ăn ( trừ gạo) do bố mẹ góp. Tiền các cô giáo cho thêm cũng chừng ấy nữa. Bình quân chúng nó mỗi đứa mỗi ngày có được 2.000 đ tiền thực phẩm ( bên cấp 1 chỉ 1 ngàn/ ngày, như ông nấu cơm H Mong nói cho chúng tôi biết). Quy củ hơn bên cấp 1, bên này đều đặn mỗi tuần được một bữa ăn thịt. Cụ thể là: Mua dưới chợ 1 kg loại thịt rẻ nhất, rồi kho lẫn với đậu phụ ( cái này mình biết rồi, hôm ở gần Mèo Vạc mình cũng nhìn trẻ con trường nội trú ăn cơm, thấy chúng nó ăn cái món gì cứ trắng trắng, mình cầm bát lên nhìn kỹ , thì ra là đậu phụ màu trắng có lẫn thịt mỡ bèo nhèo, cũng màu trắng, cái bát nhôm méo cũng trăng trắng nữa, hóa ra một món màu sắc như vậy. Hôm đó các thày cô giáo nói thật là có khách đến thăm nên mới thêm món đó , chứ theo lịch thì chưa đến ngày có món ăn mặn).
100 ngàn đồng, thế là cả khu nội trú có món thịt cộng đậu phụ kho. Còn như bây giờ, một tuần may ra chúng nó mới có một lần được như vậy.
Mỗi anh em gởi Cô giáo ít tiền, để cô mua thêm thức ăn cho học sinh.
Lại nhớ đã 6-7 năm trước, làm Nối vòng tay lớn lần thứ hai hay thứ ba gì đó, mình cử mấy nhóm đi vào các miền nghèo. Mỹ Linh ( Giờ vẫn dẫn Văn hóa- Sự kiện và nhân vật trên VTV3) đi mũi Tây Bắc. Cũng vào chỗ học sinh dân tộc nội trú, quay cảnh bữa cơm của lũ trẻ. Rồi hôm phát trực tiếp từ trường quay S9 Mỹ Linh nói, rằng chỉ cần 2 ngàn đồng/ngày cho mỗi đứa bé thôi thì hàng ngày chúng nó thì bữa ăn có màu sắc hơn, chứ bây giờ chỉ thấy có màu trắng của cơm và trắng của măng nấu muối….Rồi cô nàng không nén được , khóc nấc trước cả bao triệu người xem TV. Khóc thật sự, dù cố nén. Bằng ấy năm trôi qua. Năm vừa rồi là năm đầu tiên mình không còn chủ trì làm Nối vòng tay lớn của VTV. Nhưng hôm nay lên Suối Giàng, vẫn thấy bữa cơm như thế, rồi vẫn thấy con số 2 ngàn đồng thì mỗi ngày sẽ có thịt ăn, nhưng vẫn chưa có được cái hai ngàn ấy. Mà hai ngàn đồng cách đây 7 năm to hơn 2 ngàn đồng bây giờ lắm chứ.
Đi xuống, gặp cô H Mong trẻ bế con chắc mới 7-8 tháng tuổi, ngồi trên tảng đá . Hỏi ra mới biết từ bản xuống thăm con ở nội trú cấp một, đang đợi giờ tan học để gặp con. Và chắc đem 5 ngàn với hai cân gạo xuống nộp tiền ăn một tuần cho con. Đứa bé ngoan thật, người lạ bế cứ cười toe toét. Còn cô mẹ cũng hóm ra phết, mình hỏi đùa “ Cho tao mang về nuôi nhé”, thì trả lời “ Ừ, cho đấy, đẻ đứa khác được mà !”. Mấy anh em cho ít tiền gọi là mừng tuổi bé ( mới tháng 8, khà khà..) thì đỏ mặt gạt ra, phải dúi vào tay mới chịu lấy.
Trên đường trở ra, mới tính kỹ : Để mỗi khu nội trú ( một khu 80 đứa cấp một, bên kia 45 đứa cấp hai) ngày nếu một bữa có thịt kho lẫn đậu phụ, sẽ cần 2kg thịt cho cấp 1, 1kg cho bọn cấp hai, kèm đậu phụ nữa là 300 ngàn/ ngày, hay là 9 triệu đồng / tháng. Mỗi năm sẽ cần 108 triệu đồng. Nếu cả hai bữa có thịt trong ngày thì cần gấp đôi : 18 triệu/ tháng, hay 216 triệu/ năm.
Nếu cứ như thế 10 năm , để 125 đứa học sinh này ngày nào cũng có món thịt kho kèm đậu phụ ( chắc chắn học sinh được ăn cơm với tý thịt khác với học sinh chỉ ăn cơm với món canh loãng , vì tuổi ấy, chúng nó cần đạm lắm để phát triển não), cần có từ một tỷ hai đến trên hai tỷ bốn trăm triệu . Với bằng ấy tiền, 125 đứa trẻ con được ăn có đạm trong cả mười năm !. Với từng cá nhân thì đó là món tiền lớn rồi. Nhưng để có 125 đứa trẻ ( à, sau 10 năm, đó là các cô cậu thanh niên chứ) khỏe khoắn, đầu óc sáng láng…thì thêm số tiền đó có gọi được là nhiều không ?. 10 năm cơ mà, sau 10 năm, cả một thời đại công nghệ mới đã thay thế cái cũ trên thế giới này. Trong 10 năm ấy, ở chỗ này, nếu có từ 1 đến 2 tỷ ( VNĐ đấy nhé, đừng nhầm sang USD mà phải tội) – giúp được trên 100 đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh hơn, thông minh hơn để bước vào thời đại đó.
Mình biết nước ta nghèo ( nói chung , rất chung thôi). Nhưng có nghèo đến thế không ?.
Thôi, không nghĩ chuyện xa xôi, mình quyết định là về nhà, gọi ngay Tiến trọc và Linh để bàn về dự án cơm thịt kèm đậu cho 125 nhóc Suối Giàng này. Bước đầu là 1 bữa có thịt/ ngày, hay còn gọi dự án 9 triệu. Kéo được thêm bạn bè thì chuyển càng nhanh càng tốt sang 2 bữa có thịt / ngày, hay dự án 18 triệu/ tháng. Lạy giời, đừng có lạm phát hay tăng giá nữa nhé, mức ấy là mức thịt bạc nhạc rồi, không hạ cấp xuống được nữa đâu !
Hay là bàn với Tiến trọc và Linh lập hội những người bạn của trẻ con vùng cao ?. Bây giờ có bao người đi phượt vùng cao, góp mỗi người một chút cho các nhóc. Lập trang web…Nhưng thôi, chuyện nhỏ làm được thì mới có khả năng làm chuyện to hơn.
Khi rời Suối Giàng được vài chục cây số, chợt nhớ chuyện không biết buổi sáng bọn trẻ con này nó có được ăn gì không. Nói với mọi người trên xe. Mỗi người đoán một kiểu, nhưng không ai dám chắc.
Về đến Phú Thọ, thì mình hiểu ra : từ lúc rời Suối Giàng đến giờ, tâm trạng xót và bi quan, có cả chút phẫn nữa, nhưng lại vẫn có một sợi gì đó ấm áp lẩn khuất , mà rõ ràng là từ các câu nói nghe được . Chợt nhớ lúc ở bếp trường cấp hai, mình hỏi cô giáo : Thế mỗi cô giáo phải bớt bao nhiêu tiền từ lương của mình để mua thức ăn cho các cháu ?. Cô giáo trả lời : Dạ không giống nhau, người lương cao hay là Đảng viên thì góp nhiều hơn, giáo viên hợp đồng hay quần chúng thì góp ít hơn..Vậy là Đảng viên thì san từ lương giáo viên miền núi của mình số tiền nhiều hơn người khác để mua thức ăn cho học sinh. Quả thật, đã lâu lắm rồi, mình hiếm khi nghe được một điều đẹp đẽ như vậy về Đảng viên. Mà không phải nghe từ một diễn đàn hay khung cảnh hoành tráng nào. Mà nghe thì tin ngay. Nghe mà thấy lòng đỡ lạnh. Bởi mình cũng là đảng viên đã mấy chục năm rồi.
Về đến Hà Nội, mở máy ra viết dòng đầu của bài này, để gửi cho Tiến trọc , đấy, chính cái dòng “ Hôm nay, lần đầu lên Suối Giàng, định ngắm mấy cây chè cổ thụ”..mới nhớ ra là sáng nay tất cả đã quên chuyện xem cây chè. Đỗ xe xong, sà vào đám trẻ, bần thần cả người bởi chuyện ăn uống của chúng nó, lên xe về , chẳng ai nhớ mục đích của việc phóng xe lên đỉnh núi Suối Giàng.

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

THĂM LẠI TRẠI VOM SCHWEDENGRUND

Hôm nay thứ năm quán nghỉ, rỗi rãi, trời nắng đẹp không biết làm gì đi một vòng ngó nghiêng. Sau khi chụp được mấy kiểu ảnh một con lông dài 4 tháng mình ghé nhà ông bạn mấy năm chưa gặp lại. Ông này cách đây đúng 11 năm đã để lại cho mình con GSD đầu tiên. Đó cũng là con chó đực nổi tiếng một thời, con trai của Jeck vom Noricum huyền thoại: Lux vom Schwedengrund.
Chuyện trò hồi lâu, mình "tả" lại Lux với bộ lông đỏ sẫm đặc trưng, ông ấy cười bảo chưa bằng con này. Thế rồi ông ấy cho xem một tấm ảnh, mình thấy ... choáng! Tưởng chó của ông ấy đòi cho xem. Ông ấy bảo đây chỉ là con chó đực mà ông ấy đem lấy giống. Hiện tại ông ấy chỉ có con gái của cậu ta thôi.

Đây là ảnh con chó bố mà ông ấy cho xem (về nhà mò mẫm trên mạng down xuống)

Tò mò, mình bảo ông ấy cho xem con của nó. Thế rồi ông ấy dẫn ra vườn cho xem chó. Cô này đang thay lông, 15 tháng tuổi tuy không có bộ áo như bố nhưng xem ra cũng khá. To xương, lông đờ mi, đầu mõm khá to, mình kết nhất là khuôn mặt sẫm, đôi tai ke. Tiện máy làm luôn mấy kiểu. Bộ lông đang thay nên nhìn không được mượt mà lắm. Chắc 2 tháng nữa sẽ "ngon" lắm đây. Cô ta vừa "heiss" (có nước) cách đây 3-4 tuần. Chắc phải 4-5 tháng nữa mới có lại, tầm ấy 20 tháng vừa đẹp đây, khoảng trước sau tết nguyên đán khí hậu vừa đẹp, ... mình nghĩ thầm trong bụng hê hê.




Vài hình ảnh của con cún cái 4 tháng tuổi, con của VA2 Quenn vom Löher Weg:






Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

BUNDES SIEGER ZUCHTSCHAU (BSZS) 2011 NÜRNBERG

Vậy là giải vô địch chó chăn cừu Đức toàn liên bang tại CHLB Đức đã kết thúc được một tuần. Ở giải này theo như tên gọi của nó là dành cho chó chăn cừu đức của nước Đức, nước mẹ của chúng. Nhưng từ lâu rồi nó không còn giới hạn cho chó trong biên giới lãnh thổ Đức mà các nước khác trên toàn thế giới ai có chó, có điều kiện cũng đều có thể tham gia được. Chính vì vậy trong con mắt giới chuyên môn người ta coi đây là cuộc thi toàn thế giới.
Khác với giải vô địch chó chăn cừu đức do WUSV tổ chức hàng năm luân phiên ở các quốc gia thiên về dòng Working, ở giải này các con chó mang đi thi chủ yếu là dòng Show, vì vậy những con đoạt giải được coi là những con đại diện cho "sắc đẹp" của dòng Show và là những "hoa hậu", "hoa vương".
Giải lần này tổ chức tại thành phố Nuernberg phía nam nước Đức, cách mình khá xa khoảng 350 km. Đã định không đi nhưng nghe tin mấy anh em ở VN sang, Thụy điển có gia đình Minh Huy nguyên Chủ tịch GSDV cũng sang nên mình cố gắng tới gặp anh em để hàn huyên đôi chút.
Thứ sáu, 02.09.2011, 6h30 sáng xuất phát, theo dự báo của Navi thì đi khoảng 3,5 giờ là đến nhưng đi giữa đường buồn ngủ quá nên tạt vào bãi đỗ dọc đường ngủ mất một tiếng, 11 giờ trưa mới đến được. Như vậy không dự khai mạc được. Đến cổng SVĐ Arena Nürnberg điện thoại cho Minh Huy ra đón. Khá đông xe ô tô đậu quanh khu vực này, kiếm mãi không có chỗ đậu đành đậu bừa vào vệ đường. Một lúc sau Minh Huy ra đưa cho một thẻ VIP dành cho khách mời bảo đeo vào trước ngực, oai ghê hihihihi. Một lúc sau vợ con Minh Huy và Quý Đạt và anh Trung AC cũng từ khu sân phụ kéo ra. Cả bọn sang khu sân chính, nơi đang diễn ra cuộc thi cắn của hạng chó trưởng thành (GHKL). Cả đoàn A-na-mít được hướng dẫn lên khu khán đài A dành cho ... khách VIP he he.
Sau đây là mấy hình anh ghi được trong khi ngồi trên khán đài. Vì ngồi chỗ cao nhất nên hơi xa, máy ảnh phải zoom hết cỡ mà cũng chỉ được thế này thôi.













Cả hai đều đẹp

Xem được một lúc quay đi quay lại đã hơn 2 giờ chiều. Đói bụng cả bọn mò đi ăn. Xung quanh sân vận động, cả trong khu vực sân phụ nơi tổ chức thi chạy Ring cho hạng chó non và chó trẻ nhan nhản các quầy bán đồ ăn đồ uống. Cái này VN cũng cần phải học. Nếu lần sau ở VN tổ chức Dogshow nên cho các bà bán hàng ăn vào trong khu vực bán hàng hoặc hiệp hội VSV cắt ra mấy bà mấy chị mở quầy bán đồ ăn chẳng hạn bánh mỳ kẹp nhân, mì ăn liền, bánh bao bánh rán, bia bọt nước uống với giá ưu đãi hơn giá thị trường (có lãi chút ít) phục vụ bà con. Trong khi đi tìm đồ ăn thì một vấn đề nghiêm trọng xảy ra, tay Quý Đạt than vãn "mấy ngày nay cháu ăn đồ tây rặt chỉ có bánh mỳ và pho-mát nuốt không dzô, đành ăn mỳ gói (mang từ VN sang) chịu hết nổi rồi. Trông cậu ta phờ phạc quá hehehehe. Thế là a lê hấp, lên xe chạy vào trung tâm về khách sạn cất đồ rửa mặt mũi rồi đưa nhau ra ... Bahnhof (ga tầu) kiếm cơm ăn. Tìm mãi mới thấy có cái quầy bé xíu của một ông người Việt, hỏi có cơm không, có. Thế là cả bọn gọi ăn. Mình là dân nhà hàng biết ông ấy nấu thì mình không ăn được nên để mọi người gọi đồ, mình lẻn sang quầy tây làm cái bánh mỳ cá và một lát cá rán tẩm bột với khoai tây rán (kiểu tây). Ăn xong, trời có cơn mưa mấy anh em rủ nhau ra một cửa hàng bán xe đạp ngó nghiêng. Tại đây anh Trung có quen một người VN làm ở đây. Anh ấy giúp cho anh Trung mua xe mang về VN. Nghe nói xe đạp mua về VN ... có lãi hì hì. Mình cũng chọn được một cái cho bà xã. Bảng giá treo 699.00 Euro, cửa hàng hạ giá còn 349,00 Euro, nhờ anh người Việt là nhân viên mua giảm tiếp còn 270,00 Euro, khuyến mại thêm công tơ mét và một giỏ đựng đồ. Trúng quả !
Lát sau trời hết mưa, mặt trời lại ló ra nhưng cũng đã hơn 5 giờ chiều. Anh Trung ở lại chơi với anh bạn, mấy anh em mình gồm gia đình Minh Huy, Quý Đạt lại lên xe ra xem chó.
Cả bọn kéo sang bên sân phụ nơi đang thi chạy Ring cho các hạng chó non và chó trẻ, chấm tạo dáng cho những con vừa thi cắn xong. Tại đây lớ ngớ thế nào gặp ngay anh Ralf đang dắt chú Sirio. Ralf nói Sirio đã thi xong cắn, bây giờ sang phần tạo dáng, kiểm tra răng , cà.
Thầy trò Ralf và Sirio (Sirio năm nay tụt 1 bậc xếp thứ V25)



Sau đó chộp được vài tấm hình,  thấy thì chụp theo kiểu "chộp ảnh", cũng chẳng biết con nào vào con nào.





Con này giống con Len , cũng dáng ... Compac

Ông lão này cũng hăng ghê!

Đây là lúc show nhóm, chắc hậu duệ của một con nào đó.








Toàn cảnh sân phụ, nơi diễn ra các cuộc thi chạy hạng chó non, chó trẻ





Từ trái qua: Thuấn, Đông Láng, Hòa Lim, Quý Đạt

Đầu tiên bên trái là Trường Giang (SV đang theo học tại Đức)

Anh Trung AC, Thuấn,  Minh Huy và vợ con (Gia đình Minh Huy đang định cư tại Thụy điển)

Rất tiếc là sang đến ngày thứ hai của cuộc thi, vì phải về lo "nồi cơm" của vợ con nên không chứng kiến phần hay nhất: thi chạy hạng VA của chó đực và cái. Nhưng nghe kể lại thì phần thi VA chó cái có ... "mùi" khen khét. Ông bạn kể có con chó cái năm 2010 xếp thứ SG44, năm nay nhảy một phát lên VA. Khi ông trọng tài (chủ con VA1 2010 Ober vom Bad Boll) ậm ờ tuyên bố "...tuy rằng cô chó này hiện đang sở hữu một bộ "áo cưới" không phải trong tình trạng tốt nhất..." dân chúng đã huýt sáo ầm ĩ cả khán đài.
Nhưng như vậy cũng đã mãn nguyện lắm rồi vì mình đi đợt này chủ yếu để gặp gỡ mấy anh em ở VN sang là chính.