Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Cả nước vì ngư dân!

Tống Văn Công

Những đôi mắt đất liền vẫn ngong ngóng về phía biển chờ đợi người thân – Ảnh Đoàn Cường

Ngày 28-5-2012, văn phòng UBND Quảng Ngãi trình lãnh đạo tỉnh chính sách hỗ trợ tàu QNg 66101 TS của chủ tàu Lê Vinh bị Trung Quốc bắt từ tháng 3-2012. Tổng số tiền hỗ trợ là 555 triệu đồng, trong đó 380 triệu từ UBND tỉnh, 175 triệu của Quỹ hỗ trợ ngư dân cho vay với lãi suất 0,65% / tháng. Sau đó, tỉnh sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ tàu QNg 55003TS của chủ tàu Trần Phương bị Trung Quốc bắt ngày 16-5-2012. Đó là những cố gắng rất đáng khích lệ của chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi. Tuy nhiên cố gắng đó không đủ  bù đắp thiệt hại vô cùng to lớn của ngư dân Quảng Ngãi trong tình trạng Trung Quốc tung chiêu mới gia tăng cướp tàu, ngư cụ và hải sản.  Chỉ riêng một xã Bình Châu, đã có hơn chục tàu thuyền bị chúng bắt giữ, đòi tiền chuộc. Hai ngư dân Đỗ Ngọc Thọ, Tiêu Viết Là nhiều lần nộp tiền chuộc, lâm nợ nần, đành phải  bỏ biển! Trước đây, năm 2010, ngư dân Mai Phụng Lưu ở Lý Sơn từng được tỉnh tặng bằng khen “nhiều năm kiên trì bám biển”, vậy mà, sau bốn lần bị Trung Quốc cướp tàu, cũng đành rơi nước mắt bỏ biển!

Quảng Ngãi là tỉnh đầu tiên phát động công nhân, viên chức, cán bộ, đảng viên đóng góp mỗi tháng một ngày tiền lương để lập quỹ hỗ trợ ngư dân. Cùng với Bình Thuận, Kiên Giang, Quảng Ngãi cũng là tỉnh đầu tiên thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐVN thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá, đến nay đã có nhiều hoạt động thiết thực vì ngư dân.

Nước ta có trên 4 triệu lao động ngư nghiệp, sử dụng 130.000 tàu đánh cá, ở khắp 28 tỉnh, thành, vùng tập trung là các tỉnh miền Trung và ngư trường truyền thống là Hoàng Sa, Trường Sa.

Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa, tuyên bố cả Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của họ. Họ làm mọi cách hòng biến việc chiếm đoạt Hoàng Sa thành chuyện đã rồi, như: hằng năm ra lệnh cấm đánh bắt cá; giả tạo di vật lịch sử; xây dựng sân bay quân sự trên đảo; tổ chức du lịch. Đặc biệt nghiêm trọng là liên tục bắn giết, đánh đập ngư dân, cướp tàu đòi tiền chuộc, phá nát ngư cụ. Gần đây, chúng dùng trực thăng bay sát mặt nước uy hiếp ngư dân, tra tấn dã man và chích điện ngư dân bị chúng bắt. (Theo ngư dân Lê Lớn, tàu QNg 66101TS cho biết, anh bị tra hỏi 14 lần, bị chích điện khoảng 60 lần!).

“Lập trường nhất quán là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Nhưng chúng ta đàm phán bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước luật biển”. Khẳng định đúng đắn ấy của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải được các cơ quan chức năng khẩn trương cụ thể hóa thành các bước cụ thể,  trong sách lược đấu tranh đối ngoại, để sớm hòa bình thu hồi Hoàng Sa. Tuy nhiên, trước mắt cần mạnh mẽ đấu tranh buộc họ phải chấm dứt các hành động trái với DOC, bạo ngược đối với ngư dân ta.

Toàn dân Việt Nam có trách nhiệm hỗ trợ ngư dân, những đồng bào đang bị uy hiếp mạng sống, đang bị đe dọa tước đoạt hết của cải, vốn liếng chắt chiu suốt cả đời, vậy mà vẫn không nao núng, ngày đêm bám biển. Nhiều người cam chịu mất tàu, quyết không chịu bỏ tiền chuộc. Ngư dân thực sự là những  dân binh dũng cảm, không có vũ trang, đang khẳng định chủ quyền quốc gia. Họ là những “cột mốc sống” trên lãnh hải thiêng liêng do ông cha để lại. Vậy thì “Cả nước vì ngư dân!” phải là ý chí và  phong trào hành động của 90 triệu người Việt Nam. Mỗi người, mỗi tháng đóng góp một ngày lương vào Quỹ hỗ trợ ngư dân!  Và những gì nữa? Chắc chắn lòng yêu nước sẽ cho chúng ta rất nhiều lời đáp!

Theo Viet-Studies

Đừng thờ ơ với những “cột mốc sống” ở biển Hoàng Sa

Nguyễn Thông
Con tàu được Trung Quốc thả về, sau khi đã vét sạch hải sản và ngư lưới cụ
Báo chí mấy tuần nay bận bịu chuyện thông tin về họp quốc hội, về vụ tham nhũng cộm tại Vinalines, về lạm phát giảm phát… toàn chuyện lớn, dường như quên hay ít để ý một chuyện tưởng chừng nhỏ nhưng thực chất còn lớn hơn nhiều điều: Tàu cá của ngư dân Việt Nam ra vùng biển khu vực đảo Hoàng Sa đánh bắt bị tàu hải giám, hải quân Trung Quốc xua đuổi, bắt bớ, ngược đãi, giam tàu giam người; tài sản, số phận sống chết không biết thế nào. Ngư dân đang chới với, kêu gọi, cầu cứu chính quyền giúp đỡ. Vụ mới nhất là tàu cá của ông Nguyễn Thành Nhất (xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bắt ngay tại vùng biển Hoàng Sa ngày 16.5, đến nay chúng vẫn cầm giữ tàu, không chịu trả.
Hoàng Sa, về bản chất, thuộc chủ quyền thiêng liêng bất di bất dịch của Việt Nam. Đó là điều không thể tranh cãi. Còn trên thực tế, hiện toàn bộ quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng, sau cuộc cưỡng chiếm phi pháp phi nhân của nhà cầm quyền Trung Quốc năm 1974. Việt Nam có bằng chứng lịch sử, còn Trung Quốc tạm có vật chất biển đảo cụ thể. Hai bên tranh qua cãi lại, chỉ riêng ngư dân Việt Nam chịu thiệt.
Ngày 14.5, Cục ngư chính Trung Quốc ngỗ ngược ban bố lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông. Năm nào họ cũng cấm, năm nào người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lên tiếng phản đối, rằng “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, lệnh cấm là vô giá trị”. Đồng thời với sự khẳng định hùng hồn đanh thép ấy là việc động viên ngư dân Việt tiếp tục ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản, vừa làm kinh tế, vừa thành cột mốc sống khẳng định chủ quyền trên biển. Chỉ tiếc rằng lời động viên ấy chưa kèm theo sự đảm bảo hữu hiệu. Bất chấp sự phản đối của ta, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn ngang ngược xua đuổi tàu Việt Nam, tịch thu ngư cụ, bắt bớ ngư dân Việt Nam.
Đã là ngư dân thì phải ra biển để mưu sinh. Họ đánh bắt cá trước hết vì cuộc sống của mình và gia đình
mình, sau nữa là những điều khác. Nếu đã khẳng định vùng biển khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và động viên họ ra đó hành nghề thì nhà nước cần có kế hoạch, lực lượng bảo vệ ngư dân mình. Biển Hoàng Sa cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ tai họa do Trung Quốc gây ra lớn gấp trăm lần thiên tai, đừng chỉ đẩy bà con ra khơi rồi bỏ mặc, giống như đem con bỏ chợ.
Nếu đã xác định mỗi ngư dân Việt là cột mốc chủ quyền sống trên biển đảo Hoàng Sa thì nhà nước phải có trách nhiệm trong những việc cụ thể. Tạo điều kiện cho bà con vay vốn lãi suất ưu đãi để đóng tàu, mua sắm ngư cụ, xăng dầu… là đương nhiên, nhưng ngay cả trường hợp tàu bè, ngư cụ của họ bị Trung Quốc tịch thu, rồi đẩy họ về tay không thì nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ kịp thời: hoặc giúp dân đòi lại tài sản, hoặc chia sẻ, gánh một phần thiệt hại với dân. Khi dân đã có trách nhiệm với đất nước thì nhà nước cũng cần tỏ trách nhiệm với dân, đừng nên chỉ từ một phía. Ngoài ra, các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam, nhất là Bộ Ngoại giao, cần hành động rốt ráo, khẩn trương khi xảy ra vụ việc, không chỉ bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân mà còn sớm đưa người dân từ nơi bị giam giữ trái phép trở về, đừng nên để chậm trễ, kéo dài như nhiều trường hợp vừa rồi.
Theo PGS Trần Ngọc Vương, không nên lợi dụng nhu cầu sinh tồn của ngư dân (về thì đâm đầu vào đâu – tình huống điển hình mà chị Dậu lâm phải) để hô hào suông; nhất thiết chính quyền phải có những chính sách và biện pháp gì đó lúc này để ít ra là hỗ trợ cho họ có hiệu quả.
Thời gian gần đây, chính quyền tổ chức nhiều đoàn quân dân chính đảng từ các cơ quan, đoàn thể, địa phương liên tục đi thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Trường Sa, ở các giàn DK, đem đến cho anh em nhiều giá trị vật chất và tinh thần. Với người lính giữ biển đảo, sự ủng hộ bao nhiêu cũng không đủ so với những hy sinh, đóng góp của anh em. Nhưng còn những người lính không mặc áo lính ngày đêm bám biển cùng cả nước bảo vệ chủ quyền, liệu chúng ta đã quan tâm đầy đủ chưa? Trong lúc quần đảo Hoàng Sa chưa thực sự thuộc lại quyền kiểm soát của nhà nước Việt Nam thì có thể coi bà con là những người dân binh Việt ở Hoàng Sa hiện thời. Không phải ai khác, chính ngư dân là những người xác nhận, chứng minh cụ thể chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam lúc này. Họ là những “nghĩa sĩ Cần Giuộc” trên biển. Không cần phải tổ chức đoàn này đoàn nọ đi thăm hỏi, ủy lạo họ, bởi vì hình thức như thế chỉ mang tính nhất thời, không bền vững, mà hãy giao cho các chính quyền địa phương nhiệm vụ chăm sóc, đảm bảo tối đa nhất cuộc sống của ngư dân và gia đình những người đánh bắt hải sản trên biển Hoàng Sa.
Hậu phương có vững vàng, dân binh mới có thể yên tâm nơi đầu sóng ngọn gió.

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Lứa P-P Wurf

Sáng hôm nay, lứa P Trần Gia đã ra đời.
Lứa này chó mẹ là Luna von der Traubeneiche, một cô chó cái dòng working có màu lông gần như đen tuyền, chỉ có 4 cổ chân điểm màu vàng. Thực ra mình muốn tuyển một con chó cái đen tuyền, dòng DDR nhưng không phải cứ muốn là gặp. Vậy là do cái "duyên", gặp được Luna, chủ hứa với mình sẽ cho kết hợp với một con đực đen tuyền dòng DDR thì khả năng ra con đen tuyền cũng rất cao. Và họ cũng hứa với mình chỉ giao Luna cho mình khi chắc chắn có bầu. Chẳng biết có phải dòng chó nghiệp vụ này dân dã hay sao, mà ông chủ nói với mình nó lớn lên như cỏ dại (wild auf gewächt). Lúc đầu mình cũng chưa thực sự hiểu lắm về ý nghĩa này. Cho đến khi được chuyển về VN, lúc ấy Luna đã mang bầu chừng 1 tháng mình rất lo về việc thay đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến cái bầu. Ngày nào cũng gọi về hỏi thăm, ở nhà nói nó cứ ... câng câng ấy, chẳng thấy mệt mỏi gì, lại còn nghi ngờ là không dính bầu nữa chứ. Ăn uống thì cực kỳ dễ, cho cái gì cũng ăn, bao nhiêu cũng hết. Cùng về có con Happy (dòng show) thì chắc do thay đổi môi trường, khí hậu nên ăn uống lửng dửng, thừa bao nhiêu Luna lại chén tất. Hậu quả là gần đến ngày đẻ, cô ta có cái bụng như bụng ... lợn sề!
Và cuối cùng thì, từ trong "cái bụng lợn sề" ấy, 10 con cún dòng working đã chui ra ngày 25.05.2012. Trong số này, 5 chú cún đực giống bố đen tuyền, 1 cún cái đen tuyền và 4 cún cái giống mẹ pha chút màu vàng
Bố của bọn nhóc là Arry vom Ludwigseck.

Link chó bố Arry bấm vào đây, chó mẹ Luna bấm vào đây

Vài hình ảnh bọn nhóc chụp sau khi sinh vài giờ:





Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Lứa O-O Wurf

Hôm 16.05.2012 cô chó mẹ Janca vom Krummenhäger See (SchH1-KKL1) http://www.pedigreedatabase.com/german_shepherd_dog/dog.html?id=691526 đã sinh 8 cô con gái nhưng hỏng mất 2.
Chó bố là Apache vom Exterstein http://www.pedigreedatabase.com/german_shepherd_dog/dog.html?id=657262 

Một điều kỳ lạ là năm ngoái vào 17.05 trại có một đàn 8 con cũng một bề cái, năm nay sớm hơn 1 ngày cũng một bầy 8 con một bề cái, chỉ khác là hỏng mất 2 con.
Hình ảnh bầy cún này sẽ được up lên một ngày gần đây.

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

LỨA "N"-"N" WURF

Đây là lần làm mẹ thứ hai của Höchsmanns´ Orfe.
Lần trước, cũng vào tháng 5, năm ngoái. Tám cún ... "đái ngồi", trong đó có một cô nàng được trại chuyển đổi thành  "đá" gửi tặng bộ đội Trường Sa.
Lần này, chó bố là Apache vom Externstein. Khi những dòng này lên net thì Orfe đã sinh hạ được 2 cún, đều ... "đái đứng" hehehe. Diễn biến lứa "N" sẽ được cập nhật vào ngày mai.
Sau đây là vài hình ảnh cặp bố mẹ.
 Orfe


Apache


Thông tin mới nhận sáng 05.05.12, Orfe đã cho ra đời 6 cún, tỷ lệ 4/2 (4đực, 2 cái).
Cầu mong mọi sự tốt đẹp, mẹ con các cún mạnh khỏe, các cún hay ăn chóng lớn !!!